Thành lập đế chế Thành_Cát_Tư_Hãn

Trung Hoa

Bản đồ thể hiện những cuộc hành quân lớn trong đời Thành Cát Tư Hãn.

Cùng thời điểm với hội nghị Kurultai, Thành Cát Tư Hãn đã bị lôi cuốn vào cuộc tranh chấp với Tây Hạ là quốc gia bắt người Mông Cổ phải phục tùng và nộp cống phẩm hàng năm. Ông đã chiếm được một số thành trì được bảo vệ vững chắc của Tây Hạ. Năm 1209 khi hòa bình với Tây Hạ được ký kết, về thực chất ông đã thu phục được Tây Hạ, đã được vua Tây Hạ là Lý An Toàn thừa nhận là chúa tể, biến quốc gia này trở thành chư hầu chịu cống nộp cho người Mông Cổ và cung cấp binh lính cũng như hậu cần cho các chiến dịch trong tương lai của ông. Sau đó Tây Hạ cũng bị ông lật đổ (1227).[15]

Mục đích chính của ông là xâm chiếm nhà Kim, vừa để trả thù những thất bại trước đây khi những người Mông Cổ còn thù hận lẫn nhau và giành lấy tài sản cùng sự giàu có của miền bắc Trung Quốc. Ông tuyên bố chiến tranh năm 1211, để cho nhà Kim không thể còn là sự đe dọa thường xuyên đối với Mông Cổ về lãnh thổ, tài sản ở phần biên giới phía nam. Mô hình của cuộc chiến tranh chống lại nhà Kim của người Nữ Chân cũng giống như cuộc chiến chống lại Tây Hạ.

Kết quả của chiến thuật siêu đẳng và sự hoàn hảo của chiến lược là Thành Cát Tư Hãn đã xâm chiếm và hợp nhất phần lãnh thổ nhà Kim đến tận Vạn lý trường thành của Trung Quốc năm 1213. Cũng năm đó hoàng đế nhà Kim là Hoàn Nhan Vĩnh Tế bị tướng Hồ Sa Hổ giết trong cuộc bạo loạn. Cháu của Hoàn Nhan Vĩnh Tế là Hoàn Nhan Tuần lên ngôi. Sau đó Thành Cát Tư Hãn chỉ huy ba cánh quân tiến vào phần trung tâm lãnh thổ Kim, nằm giữa Vạn lý trường thành và sông Hoàng Hà. Giống như các vị vua khác tin mình là con trời (thiên tử), ông đã xâm chiếm phần miền bắc Trung Quốc, chiếm giữ hàng loạt thành phố và năm 1215 đã bao vây, chiếm giữ và cướp bóc kinh thành của nhà Kim là Yên Kinh (sau này là Bắc Kinh). Tuy vậy nhưng vua nhà Kim là Hoàn Nhan Tuần (完顏珣) tức vua Kim Tuyên Tông (宣宗) đã không đầu hàng mà chuyển kinh thành về Khai Phong (開封) vì sự lớn mạnh của người Mông Cổ ở phía bắc. Ở đó những vị vua cuối cùng của nhà KimHoàn Nhan Thừa Lân (完顏承麟) hay Kim Mạt Đế (末帝) đã bị đánh bại vào năm 1235.

Tây Á

Bài chi tiết: Đế quốc Khwarezm

Cùng thời gian đó Khuất Xuất Luật (Kuchlug), vị hãn bị phế truất của bộ tộc Nãi Man, đã chạy về phía tây và cướp hãn quốc Tây Liêu, đồng minh phía tây của Thành Cát Tư Hãn. Trong thời gian này, quân đội Mông Cổ đã mệt mỏi do hơn 10 năm chiến tranh chống lại Tây Hạ và Kim. Vì vậy Thành Cát Tư Hãn chỉ gửi khoảng 20.000 quân dưới sự chỉ huy của viên tướng trẻ Triết Biệt (者別 Jebe) để chống lại Khuất Xuất Luật. Một cuộc nổi dậy trong nước với sự giúp đỡ của người Mông Cổ và sau đó Triết Biệt tràn qua đất nước này. Lực lượng của Khuất Xuất Luật đã bị đánh bại ở phía tây của Kashgar; ông ta bị bắt sống và bị hành hình sau đó, Tây Liêu bị sáp nhập vào Mông Cổ. Năm 1218 vương quốc Mông Cổ mở rộng về phía tây tới hồ Balkhash và tiếp giáp với đế quốc Khwarezm (dịch theo tiếng Trung là Hoa Lạt Tử Mô), một quốc gia Hồi giáo trải dài từ biển Caspi ở phía tây và vịnh Ba Tư, biển Ả Rập ở phía nam.

Năm 1218 Thành Cát Tư Hãn gửi một đoàn sứ giả sang tỉnh phía đông của đế quốc Khwarezm với mục đích thảo luận khả năng buôn bán với quốc gia này. Thống đốc của tỉnh này đã giết chết họ và làm Thành Cát Tư Hãn giận dữ. Ông đã cho 200.000 quân tràn sang để trả thù. Quân đội Mông Cổ với chiến lược và chiến thuật hơn hẳn đã nhanh chóng hạ thành phố này và hành hình viên thống đốc bằng cách đổ bạc nóng chảy vào tai và mắt ông ta để trả đũa hành động xúc phạm tới Thành Cát Tư Hãn và những ý định tốt đẹp ban đầu của người Mông Cổ.

Cùng thời điểm này (1219) ông quyết định mở rộng ảnh hưởng của Mông Cổ đối với thế giới Hồi giáo. Quân đội Mông Cổ lần lượt hạ các thành phố chính của Khwarezm như Bukhara, SamarkandBalkh, và hoàng đế Khwarezm là Ala ad-Din Muhammad II đã phải chuẩn bị lực lượng chống lại họ. Tuy nhiên, ông ta đã bị vượt qua bởi những người Mông Cổ nhanh nhẹn và lắm mưu kế hơn và phải liên tục rút lui. Cuối cùng, Ala ad-Din Muhammad II đã tìm cách đến ẩn náu ở Khorasan, nhưng bị viêm màng phổi chết ở một hòn đảo trên biển Caspi, gần cảng Abaskun năm 1220, và đế quốc Khwarezm sụp đổ.

Đế quốc Mông Cổ từ năm 1206 đến năm 1294

Sau đó quân đội Mông Cổ chia làm hai đạo quân, Thành Cát Tư Hãn chỉ huy một nhánh tràn vào Afghanistan và bắc Ấn Độ, nhánh kia do tướng Tốc Bất Đài (Subedei hay Subutai) chỉ huy tiến vào KavkazNga. Không một cánh quân nào bổ sung thêm lãnh thổ cho đế chế nhưng họ đã cướp bóc và đánh bại mọi đội quân mà họ gặp. Năm 1225 cả hai cánh quân đều quay trở lại Mông Cổ.

Những cuộc xâm lăng này đã bổ sung thêm TransoxianaBa Tư vào đế chế vốn đã ghê gớm và xác lập hình ảnh của Thành Cát Tư Hãn như một chiến binh khát máu trong những người không biết hoặc không muốn biết rằng ông là ông chủ thực sự của thế giới cho đến năm 1227, ông qua đời.

Châu Âu

Sau khi tiêu diệt Đế quốc Khwarezm vào năm 1220, Thành Cát Tư Hãn tập hợp lực lượng của ông ở Ba TưArmenia để trở về thảo nguyên Mông Cổ. Theo đề nghị của Tốc Bất Đài, quân đội Mông Cổ được chia thành hai cánh. Thành Cát Tư Hãn dẫn phần lớn quân chủ lực về Mông Cổ bằng cách tấn công xuyên qua Afghanistan và bắc Ấn Độ. Cánh còn lại gồm 2 vạn quân (tức 2 tümen, vạn hộ), do Triết Biệt và Tốc Bất Đài chỉ huy, hành quân qua vùng Kavkaz và vào Nga, tấn công sâu vào ArmeniaAzerbaijan. Người Mông Cổ phá hủy Gruzia, chiếm được trung tâm thương mại và quân sự CaffaKrym của Cộng hòa Genova, và tiến sát Biển Đen. Ảnh hưởng của vó ngựa Mông Cổ được mở rộng hơn bao giờ hết.

Trên đường trở về Mông Cổ, cánh quân Tốc Bất Đài bị liên quân Cuman-Kipchak và lực lượng lớn quân Nga Kiev lên tới 8 vạn, tập hợp từ quân đội của các vương công Nga, do Mstislav Dũng cảm của Halych và Mstislav III của Kiev chỉ huy, chặn lại. Tốc Bất Đài gửi sứ giả đến đề nghị hòa bình nhưng các sứ giả bị hành quyết. Nổi giận vì bị từ chối, Tốc Bất Đài ra lệnh tấn công vào đội quân Nga Kiev, tuy đông nhưng kém phối hợp bởi sự thiếu đoàn kết của các vương công Nga, Tốc Bất Đài đã đánh tan đội quân này tại trận sông Kalka năm 1223. Quân Mông Cổ tiếp tục càn quét lãnh thổ Nga và chỉ chịu dừng lại sau trận eo sông Samara, khi bị quân Volga Bulgar, do Ghabdulla Chelbir chỉ huy, phục kích gây thiệt hại nặng nề.[16]

Các vương công Nga không còn cách nào khác ngoài lời đề nghị cầu hòa, mà thực chất là lời đầu hàng nhục nhã. Tuy họ không bị tước đi quyền lực, nhưng họ phải chịu thần phục và triều cống cho Thành Cát Tư Hãn. Tương truyền, để dương uy quân Mông Cổ, Tốc Bất Đài đã cho đặt ván trên đầu các vương công Nga để mở tiệc ăn mừng. Sáu vương công Nga, trong đó có Mstislav III của Kiev, đã bị đè đến chết.

Thành Cát Tư Hãn không phải là người chấp nhận thất bại. Trước khi 2 cánh quân về Mông Cổ năm 1225, họ đã trinh sát và tìm hiểu kỹ đối phương để chuẩn bị phục thù. Dù Thành Cát Tư Hãn chết 2 năm sau đó, quân Mông Cổ cũng một lần nữa trở lại vào năm 1237 dưới sự chỉ huy của Bạt Đô (Batu), chinh phục hoàn toàn lãnh thổ Nga Kiev và Volga Bulgar vào năm 1240, trả lại mối thù bại trận lần trước.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thành_Cát_Tư_Hãn //nla.gov.au/anbd.aut-an35118014 http://www.britannica.com/EBchecked/topic/229093 http://www.fsmitha.com/h3/h11mon.htm http://www.historychannel.com/thcsearch/thc_resour... http://www.iranchamber.com/literature/articles/tal... http://necrometrics.com/pre1700a.htm#Mongol http://www.payvand.com/news/03/jun/1074.html http://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut&... http://journals.ub.uni-heidelberg.de/index.php/jia... http://www.accd.edu/sac/history/keller/Mongols/emp...